Trong bài học này, chúng ta sẽ khám phá cách Bitcoin đạt được trạng thái của đồng tiền ổn định ở dạng kỹ thuật số hoàn toàn và không chịu quyền phụ trách của ai.
Bitcoin được tạo ra bởi một cá nhân (hoặc một nhóm cá nhân) có bí danh là Satoshi Nakamoto. Cho đến ngày nay, không ai biết (ít nhất là công khai) Satoshi Nakamoto là ai - và đó được cho là di sản lớn nhất của nhóm người này đối với cộng đồng.
Với sự ra đời của Bitcoin, Nakamoto đã loại bỏ điểm yếu đầu tiên của tiền pháp định, rồi sau đó biến mất hoàn toàn khi Bitcoin đã đủ lớn mạnh.
Nếu có ai đó “phát minh ra” vàng, người đó có thể sẽ có ảnh hưởng lớn đối với phát minh của họ. Hơn nữa, nếu ai đó nắm được chiếc chìa khóa cho phép họ kiểm soát nền kinh tế vàng, họ sẽ có trong tay quyền lực rất lớn.
Những người này cũng sẽ dễ bị tác động bởi những lời cầu xin, hối lộ, hành động pháp lý, những lời đe dọa, hoặc nếu không thì cũng chịu áp lực mạnh mẽ buộc phải điều chỉnh phát minh của họ để mang lại lợi ích cho bên này hay bên khác – đó có thể là từ chính phủ, hoặc băng đảng mafia. Dù bằng cách nào, toàn bộ hệ thống sẽ dễ bị tấn công ở ngay chính điểm yếu ấy. Trường hợp của Bitcoin lại không như vậy.
Ngoài ra, xung quanh người tạo ra loại tiền này cũng không có sự sùng bái cá nhân nào, không có ai ra lệnh cho các quy tắc. Bitcoin thuộc về thế giới mà không có một cá nhân hay quốc gia nào có quyền lực pháp lý đối với nó.
Mật mã & Kinh tế
Bitcoin kết hợp các thuật toán và mật mã với một hệ thống cạnh tranh kinh tế thông minh và phần thưởng đảm bảo lợi ích tốt nhất của mọi người, mà ở đó họ tôn trọng các quy tắc mà không cần đến một cơ quan trung ương. Thay vào đó, mạng lưới tự quản lý và không có bên nào kiểm soát hệ thống.
Bitcoin có phần thưởng cho “những công việc” trung thực mà giúp hỗ trợ mạng lưới (xác thực các giao dịch, như chúng ta sẽ thấy bên dưới), đồng thời đảm bảo rằng việc gian lận là điều gần như không thể. Công việc này cũng là cách mà đồng bitcoin mới được lập trình đưa vào hệ thống, đảm bảo nguồn cung có thể gia tăng theo tốc độ có thể dự đoán được – từ đó để đạt được thuộc tính quan trọng đó là tính khan hiếm.
Những hiệu ứng này gia tăng theo cấp số nhân khi mạng lưới phát triển. Trên thực tế, phần lớn sức mạnh của Bitcoin đến từ mạng lưới phát triển đa dạng và mạnh mẽ của nó.
Những người tham gia Bitcoin đôi khi có lợi ích mâu thuẫn nhau, nhưng tất cả đều có chung một mục tiêu cuối cùng - đó là thành công của Bitcoin. Và khi ngày càng có nhiều bên đầu tư vào Bitcoin, thì mọi người sẽ càng mất nhiều tiền hơn nếu nó “sụp đổ” - điều này tạo ra một mối quan hệ cộng sinh, một mối quan hệ mà tất cả các bên đều có lợi.
Vậy ai là người kiểm soát sổ cái Bitcoin, và làm cách nào để nó trở thành đồng tiền ổn định? Để trả lời những câu hỏi này, chúng ta cần phải hiểu cách thiết kế của hệ thống.
Thiết kế của Bitcoin
Bitcoin chứa đựng rất nhiều khía cạnh, nhưng chúng ta sẽ tập trung vào các yếu tố thiết kế ở đây.
Thứ nhất, Bitcoin là một mạng lưới máy tính ngang hàng, tất cả đều tuân theo một bộ quy tắc và hướng dẫn (giao thức Bitcoin) để xác thực giao dịch và phát hành đồng coin mới. Bất kỳ máy tính nào chạy phần mềm tuân thủ các quy tắc này đều có thể tham gia vào mạng lưới Bitcoin. Chúng được gọi là Node của Bitcoin.
Hãy coi giao thức này giống như luật ngân hàng của một quốc gia. Bất kỳ ngân hàng nào cũng có thể hoạt động, miễn là tuân thủ pháp luật. Sự khác biệt là giao thức Bitcoin được thực thi bởi mật mã chứ không phải bởi tòa án - có nghĩa là nó đáng tin cậy hơn nhiều.
Thứ hai, Bitcoin có một sổ cái ghi lại tất cả các giao dịch, được gọi là Blockchain. Các giao dịch được ghi lại trong các khối (block), được tạo theo các khoảng thời gian đã định và kết nối với khối trước đó để tạo thành một chuỗi (chain).
Cuối cùng, có một cơ chế để thêm các khối vào Blockchain và đạt được sự thống nhất (cơ chế đồng thuận) rằng các giao dịch là hợp lệ và toàn bộ chuỗi chính xác. Cơ chế này được gọi là Mining (đào Bitcoin).
Những người tham gia không cần phải tin tưởng lẫn nhau; họ chỉ cần tin tưởng vào các quy tắc và mật mã.
Vậy nguyên lý hoạt động của cơ chế này trong thực tiễn như thế nào?
Blockchain (Công nghệ chuỗi khối): tin tưởng nhưng vẫn phải kiểm chứng
Tính năng mang tính cách mạng nhất của Bitcoin nằm ở cuốn sổ cái của nó - còn được gọi là blockchain - và nằm ở cách các giao dịch được xác thực.
Chúng ta tin tưởng các ngân hàng bảo toàn nguyên vẹn của sổ cái của họ, nhưng chúng ta không thể tự mình xác minh điều đó. Nếu một ngân hàng gửi một euro cho một ngân hàng khác, chúng ta tin tưởng việc họ lấy đi một euro ấy từ tài khoản của họ. Đó là bởi vì chỉ họ mới có thể xem và cập nhật sổ cái của mình. Chúng ta không thể biết liệu họ có mắc sai lầm hay đưa ra những lựa chọn sai lầm khi gia hạn tín dụng hay không. Như cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã dạy chúng ta một bài học đó là đây không phải lúc nào cũng là một ý tưởng hay.
Các ngân hàng được khuyến khích phải tuân thủ luật pháp, nhưng lịch sử cho thấy rằng họ có thể làm trái hoặc thậm chí thay đổi các quy định vì lợi ích của họ.
Vào năm 2008, các ngân hàng và các tổ chức cho vay khác đã lợi dụng các quy tắc này để tái chế một khoản nợ khổng lồ thành các sản phẩm tài chính “dưới chuẩn” phức tạp đến mức hầu như không ai có thể hiểu được chúng.
Điều này càng trở nên tồi tệ hơn bởi thực tế là thậm chí có rất ít người có quyền truy cập vào những cuốn sổ - và một số ít người đã gặp khó khăn để hiểu hết sự phức tạp của nó. Khi những sản phẩm thối rữa này vỡ nợ, nền kinh tế thế giới đã sụp đổ. Kết cục ra sao? Hàng nghìn tỷ đồng tiền cứu trợ cho chính các ngân hàng đã gây ra thảm cảnh này.
Bitcoin làm đảo lộn trật tự logic này. Thay vì một sổ cái duy nhất được giữ bởi một cơ quan trung ương, Bitcoin đảm bảo bất kỳ ai cũng có thể giữ một bản sao cuốn sổ cái chứa tất cả các giao dịch đã từng diễn ra. Mọi người đều có thể xác minh bằng các thuật toán để xem liệu mọi giao dịch trong đó có hợp pháp hay không. Những giao dịch không tuân theo quy tắc sẽ tự động bị phần mềm từ chối.
Các giao dịch bitcoin cứ khoảng 10 phút một lần được chia thành một khối, sau đó được thêm vào một chuỗi dài các khối chứa tất cả các giao dịch trước đó (từ đó xuất hiện thuật ngữ blockchain). Quá trình thêm các khối mới vào cuốn sổ cái chung này được gọi là mining (đào bitcoin).
Vấn đề của cuốn sổ cái chung này đó là, làm thế nào để tất cả chúng ta cùng thống nhất rằng phiên bản hiện tại đã được cập nhất mới nhất? Làm thế nào để hàng nghìn máy tính khác nhau trên toàn thế giới có thể đạt được sự đồng thuận mà không có người phụ trách?
Việc đào bitcoin hoạt động như một động cơ thúc đẩy như thế nào
Giải pháp được Bitcoin đưa ra cho vấn đề tính toán lâu đời này liên quan đến giải mã các thuật toán, cạnh tranh và phần thưởng kinh tế, và với tên gọi là đào Bitcoin.
Đào bitcoin là một cuộc cạnh tranh để giải mã các thuật toán phức tạp, mất trung bình 10 phút và được điều chỉnh hai tuần một lần để giải thích cho công suất tính toán hiện tại. Người chiến thắng có thể được thêm vào khối giao dịch hiện tại và nhận được phần thưởng cho những nỗ lực của họ (như chúng tôi sẽ giải thích bên dưới).
Điểm mấu chốt ở đây là mọi người đều có thể dễ dàng xác minh liệu giải pháp là đúng hay không. Nếu một người đào coin gian lận, tất cả những người tham gia khác sẽ chỉ cần loại bỏ khối đó. Một kẻ gian lận sẽ không chỉ mất phần thưởng mà còn mất tất cả số tiền đã dành cho năng lượng để khai thác khối đó. Khoản lỗ cộng dồn này lớn hơn nhiều so với bất kỳ khoản lợi nhuận dự kiến nào,
Mặc dù về lý thuyết, bất kỳ ai cũng có thể tham gia đào coin, nhưng để giải được thuật toán là rất khó và sự cạnh tranh khốc liệt đến mức bạn cần hàng trăm máy tính chuyên dụng để có được cơ hội - đó sẽ là một khoản đầu tư khá lớn.
Mặc dù chi phí bỏ ra có thể lớn nhưng đào coin lại là một ngành công nghiệp cạnh tranh kiếm lợi nhuận rất cao. Sự cạnh tranh này cho đến nay đã đảm bảo rằng không có phe duy nhất nào kiểm soát phần lớn sức mạnh đào coin.
Hơn nữa, đây là một chu kỳ phản hồi tích cực. Giá trị của Bitcoin càng tăng thì càng có nhiều thợ đào trong mạng lưới, từ đó sẽ càng khó gian lận và Bitcoin càng trở nên vững chắc hơn.
Nguồn cung tiền và lạm phát
Đào coin cũng là cách mà đồng bitcoin mới được đưa vào hệ thống.
Bất kỳ ai chiến thắng trong cuộc thi giải mật mã sẽ được thêm khối giao dịch mới vào blockchain - cộng với phần thưởng bao gồm phí giao dịch và bitcoin mới.
Phí giao dịch là tổng các khoản phí phải trả cho tất cả các giao dịch bao gồm trong khối đó, phí này thay đổi tùy theo nhu cầu. Đây là những bitcoin đã được lưu hành.
Mặt khác, phần thưởng khối cũng bao gồm các đồng coin hoàn toàn mới. Trên thực tế, mọi bitcoin hiện đang tồn tại đều đã được đưa vào mạng lưới thông qua việc đào coin. Tỷ lệ bitcoin mới đã bắt đầu ở mức 50 mỗi khối vào năm 2009, nhưng con số này được lập trình giảm một nửa sau mỗi bốn năm theo quy định của giao thức.
Phần thưởng hiện tại được thiết lập ở mức 6,25 bitcoin mỗi khối cho đến năm 2024. Quá trình này sẽ tiếp tục cho đến khi hết 21 triệu BTC, đến lúc đó các thợ đào sẽ chỉ nhận được phí giao dịch.
Không một ai có thể tự ý tạo bitcoin mới hoặc làm xáo trộn tỷ lệ phát hành trừ khi mọi người (hoặc ít nhất là đa số) trong mạng lưới đồng ý thay đổi giao thức. Và để đạt được thỏa thuận đó sẽ rất, rất khó.
Tính khan hiếm được lập trình này (sự kết hợp của nguồn cung cố định với tỷ lệ phát hành có thể dự đoán được) hoàn toàn loại bỏ mọi bất ổn xung quanh tình trạng lạm phát.
Đồng tiền ổn định tối ưu nhất?
Chúng ta đã thấy được, khác với đồng tiền pháp định, Bitcoin đạt được sự khan hiếm số đáng tin cậy mà không chịu quyền quản lý của bất cứ ai. Dưới đây là cách nó đáp ứng các thuộc tính còn lại của đồng tiền ổn định:
· Độ bền: thiết kế của blockchain làm cho nó trở nên cực kỳ mạnh mẽ. Vì mọi node (nút) đều có một bản sao của sổ cái, cho nên để phá hủy mạng lưới Bitcoin sẽ cần đến tất cả 50.000 node (nút) được phân phối trên khắp thế giới (trở lên) cần bị phá hủy cùng một lúc, tuy nhiên còn có rất nhiều bản sao lưu nữa. Điều đó rất khó xảy ra.
· Có thể chia được: Đơn vị nhỏ nhất của Bitcoin, được gọi là Satoshi, tương đương với 1/100.000.000 của 1 coin. Trong các giá trị ngày nay, các giao dịch ở cấp khuếch đại có độ chính xác cao hơn so với những giao dịch vi mô nhỏ nhất yêu cầu. Tuy nhiên, do các phí của mạng lưới, mức độ chính xác đó hiện không thực tế - chúng ta sẽ thảo luận vấn đề này ở bài sau…
· Có thể thay thế được: tất cả bitcoin đều được tạo ra như nhau và có giá trị như nhau - giống như một gam vàng này có giá trị tương đương với bất kỳ gam vàng nào khác.
· Dễ mang chuyển: Bitcoin hoàn toàn là từ kỹ thuật số và cực kỳ linh động. Nó có thể được lưu trữ trên máy tính, điện thoại di động và trên giấy. Nó có thể được chuyển ngay lập tức đến bất kỳ đâu trên thế giới chỉ với kết nối internet - và thậm chí không cần internet...
Các mặt hạn chế của Bitcoin
Tất nhiên, không có hệ thống nào là hoàn hảo và một hệ thống phân tán, phi tập trung như Bitcoin gặp phải những hạn chế mà không có ở hệ thống tập trung.
Điểm hạn chế chính là bộ ba bất khả thi bao gồm tính bảo mật, khả năng mở rộng và phân quyền. Nó giống như sự đánh đổi trong việc thiết kế mạng lưới và bạn không thể có cả ba điều này. Nói cách khác, bạn không thể được voi đòi tiên được.
· Khả năng mở rộng là khả năng của hệ thống để thực hiện khối lượng giao dịch lớn hơn
· Bảo mật là khả năng bảo vệ sổ cái khỏi gian lận, hack hoặc các cuộc tấn công khác
· Phi tập trung là hệ thống sao lưu ngăn bất kỳ bên nào kiểm soát mạng
Ví dụ, tiền pháp định rất dễ mở rộng và có độ bảo mật cao. Tuy nhiên, đồng tiền này hoàn toàn tập trung và được kiểm soát bởi một số ít người.
Trái lại, Bitcoin được thiết kế để tập trung vào sự phân quyền và nó vô cùng bảo mật. Điều này phải trả giá bằng khả năng mở rộng. Hiện tại, tốc độ tối đa của Bitcoin dao động vào khoảng 5 giao dịch mỗi giây (một phần nhỏ so với hơn 50.000 của Visa), khiến cho đồng này không thực tế khi sử dụng trên quy mô lớn.
Điều này lý giải tại sao hiện nay Bitcoin được sử dụng phổ biến với vai trò là một Phương tiện lưu trữ giá trị và ít được coi là Phương tiện trao đổi. Trong bài học tiếp theo, chúng ta sẽ cùng phân tích cách giải quyết bộ ba bất khả thi đó để Bitcoin và các loại tiền điện tử khác có thể mở rộng quy mô mà không ảnh hưởng đến các thuộc tính của đồng tiền ổn định.
Miễn trừ trách nhiệm:
Các ý kiến trong bài viết này chỉ thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả và không phải lời khuyên đầu tư. Thông tin trong bài viết mang tính tham khảo và không đảm bảo tính chính xác tuyệt đối. Nền tảng không chịu trách nhiệm cho bất kỳ quyết định đầu tư nào được đưa ra dựa trên nội dung này.
0.00
HYPE
yesbit
BITTREX GLOBAL
Crypto2Cash
Remitano
BITCOINIACS
BYDFi
HF MARKETS
MaiCoin
BINANCE